Đề kiểm tra môn Tiếng việt lớp 4 giữa học kì 2 – Trường Tiểu học Kỳ Phú
A. KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
I. Đọc thầm (7 điểm)
CHIẾC LÁ
Chim sâu hỏi chiếc lá:
– Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!
– Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.
– Bạn đừng giấu! Nếu bình thường vậy, sao bông hoa rất biết ơn bạn?
– Thật mà! Cuộc đời tôi rất bình thường. Ngày nhỏ tôi là một búp non. Tôi lớn dần lên thành một chiếc lá và cứ là chiếc lá như thế cho đến bây giờ.
– Thật như thế sao? Đã có lần nào bạn biến thành hoa, thành quả, thành một ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người như trong các câu chuyện cổ tích mà bác gió thường rì rầm kể suốt đêm ngày chưa?
– Chưa. Chưa một lần nào tôi biến thành một thứ gì khác tôi cả. Suốt đời, tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường.
– Thế thì chán thật! Bông hoa kia đã làm tôi thất vọng. Hoa ơi, bạn chỉ khéo bịa chuyện.
– Tôi không bịa chút nào đâu. Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế. Chính nhờ họ mới có chúng tôi – những hoa, những quả, những niềm vui mà bạn vừa nói đến.
Theo Trần Hoài Dương
Đọc thầm bài tập đọc, trả lời các câu hỏi và bài tập bằng cách khoanh vào chữ cái trước các ý trả lời đúng nhất hoặc hoàn thiện câu trả lời theo hướng dẫn dưới đây:
1. Trong câu chuyện trên có những nhân vật nào nói với nhau?
A. Chim sâu và bông hoa
B. Chim sâu và chiếc lá
C. Chim sâu, bông hoa và chiếc lá
2. Vì sao bông hoa biết ơn chiếc lá?
A. Vì là suốt đời chỉ là chiếc lá bình thường.
B. Vì lá đem lại sự sống cho cây.
C. Vì lá có lúc biến thành mặt trời
3. Trong câu “Chim sâu hỏi chiếc lá” sự vật nào được nhân hóa?
A. Chỉ có chiếc lá được nhân hóa
B. Chỉ có chim sâu được nhân hóa
C. Cả chim sâu và chiếc lá được nhân hóa
4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì?
A. Lá đóng vai trò quan trọng đối với cây.
B. Vật bình thường mới đáng quý.
C. Hãy biết quý trọng những người bình thường.
5. Theo em trong câu chuyện trên dấu gạch ngang có tác dụng gì?
A. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại
B. Đánh dấu phần chú thích trong câu
C. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê
6. Hãy đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm trong câu văn sau:“Bác gió thường rì rầm kể suốt đêm ngày.”
………………………………………………………………………………………
7. Câu “Cuộc đời tôi vốn rĩ rất bình thường” thuộc kiểu câu kể nào?
A. Ai làm gì?
B. Ai thế nào?
C. Ai là gì?
8. Chủ ngữ trong câu “Ngày nhỏ phải chăng tôi là một búp non.” Là:
A. Ngày nhỏ
B. Tôi
C. Một búp non
D. Ngày nhỏ phải chăng tôi
II. Đọc thành tiếng: (3 Điểm)
Học sinh đọc đoạn văn thuộc chủ đề đã học và trả lời 01 câu hỏi về nội dung bài.
Nội dung bài đọc và câu hỏi do GV lựa chọn trong các bài Tập đọc từ tuần 19 đến tuần 26, SGK Tiếng Việt 4, tập II. GV thực hiện đánh giá theo yêu cầu kiến thức, kĩ năng của chương trình. (Phần đọc thành tiếng 2,5 điểm, trả lời câu hỏi 0,5 điểm).
Điểm…………………Đọc bài…………………………………..Đoạn…………
B. KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
I. Chính tả ( 3 điểm )
1. Chính tả: Giáo viên đọc cho học sinh (nghe viết) bài:“Hoa học trò ”. Tiếng Việt 4 – Tập II, trang 43 (Từ đầu …. nỗi niềm hoa phượng) trong khoảng thời gian 15 phút.
2. Bài tập: Điền vào chỗ trống d, r hay gi?
– chậm …ãi; cây sồi …….à;
II. Tập làm văn (7 điểm)
Đề bài: Em hãy tả cây bóng mát mà em yêu thích.
———- HẾT ————-
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM LỚP 4 MÔN TIẾNG VIỆT
A. KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
* Đọc (2,5điểm)
+ Đọc đúng tiếng, đúng từ, ngắt nghỉ hơi đúng chỗ, bước đầu đọc diễn cảm được đoạn văn, đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (4 điểm)
+ Đọc sai 1, 2 tiếng hoặc ngắt nghỉ hơi đôi chỗ còn chưa đúng, bước đầu đọc diễn cảm được đoạn văn, đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (3,5 điểm)
+ Đọc sai 3,4 tiếng hoặc ngắt nghỉ hơi đôi chỗ còn chưa đúng, bước đầu đọc diễn cảm được đoạn văn, đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (3 điểm)
+ Đọc sai 5,6 tiếng hoặc ngắt nghỉ hơi đôi chỗ còn chưa đúng, đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (2,5 điểm)
+ Đọc còn sai hoặc ngắt nghỉ hơi chưa đúng; đọc tốc độ đạt yêu cầu khoảng 80 tiếng/ phút. (2 điểm)
+ Đọc sai nhiều, ấp úng hoặc ngắt nghỉ hơi không đúng, tốc độ đọc chậm (1,5 điểm)
+ Đọc sai nhiều, còn phải đánh vần, tốc độ đọc chậm (1 điểm)
* Trả lời câu hỏi (0,5 điểm)
– Tùy vào nội dung phần trả lời của học sinh mà giáo viên cho các mức điểm:
+ Trả lời đúng đủ nội dung câu hỏi, diễn đạt tốt ( 0,5điểm)
+ Trả lời còn chưa đủ ( 0,25 điểm)
+ Trả lời sai ( Không cho điểm)
II. Đọc hiểu (5 điểm)
Đáp án đúng và biểu điểm:
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 7 | 8 |
Đáp án | C | B | C | C | A | B | B |
Số điểm | 0,5 | 0,5 | 1,0 | 1,0 | 0,5 | 1,0 | 1,5 |
Câu 6: (1 điểm) Bác gió làm gì?
B. KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm).
I. Chính tả:
1) Bài viết: 2,5 điểm
– Bài viết không mắc lỗi chính tả; chữ viết rõ ràng; đúng mẫu chữ; đảm bảo độ cao, rộng; nét chữ trơn đều; trình bày bài đúng thể thức (4 điểm)
– Mỗi lỗi chính tả trong bài viết sai về phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định…trừ 0,25 điểm.
– Chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn trừ 1 điểm toàn bài.
Lưu ý: Tùy thuộc vào bài viết của học sinh mà giáo viên chấm các mức điểm tương ứng, phù hợp.
2) Bài tập (0,5 điểm):
– Điền đúng mỗi chỗ chấm cho 0,25 điểm
– chậm rãi; cây sồi già;
II. Tập làm văn (7 điểm)
* Nội dung: (6,5 điểm)
a) Mở bài: (1,0 điểm)
– Giới thiệu được cây bóng mát yêu thích.
b) Thân bài: (4,5 điểm)
+ Tả bao quát: (1,5 điểm)
+ Tả chi tiết các bộ phân tiêu biểu (2,0 điểm)
– Tả được tác dụng của đồ vật đó (1 điểm)
c) Kết bài: (1,0 điểm)
– Nêu được cảm nghĩ đối với cây mình tả
* Hình thức: (0,5 điểm)
– Bài viết đủ 3 phần trình bày đúng các phần, chữ viết rõ ràng, cả bài không sai quá 5 lỗi chính tả. (0,5 điểm )
Bài làm
Trong sân trường em có trồng nhiều loại cây che bóng mát như: cây me tây, cây bàng, cây phượng,… Trong các loại cây đó, em thích nhất là cây phượng. Từ khi vào học lớp một em đã thấy nó đứng cạnh văn phòng ban giám hiệu
Từ xa nhìn lại, cây phượng trông như một cái dù khổng lồ. Thân cây cao khoảng sáu bảy mét. Rễ cây bò trên mặt đất giống hình những con rắn đang trườn. Gốc cây to đến nỗi hai vòng tay em ôm không xuể, vỏ cây sần sùi, màu nâu, từ thân cây đâm ra nhiều nhánh rườm rà xanh biếc, cành cây phủ đầy lá xanh, mọc chĩa ra các phía. Tán lá phượng xòe rộng như một cái ô che mát cả một góc sân trường. Lá phượng là loại lá kép, nho nhỏ và mịn màng, xanh um như lá me non. Mỗi khi mùa hè sắp đến, từng chùm hoa đỏ thắm từ kẻ lá nhô ra xinh xắn, một làn gió nhẹ nhàng thổi qua làm những cánh hoa phượng rung rinh như những cánh bướm, chúng em thường gọi là “Hoa học trò”. Quả phượng dài và dẹp như lưỡi liềm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của cây phượng. Dưới ánh nắng vàng rực rỡ, các chú chim cất tiếng hót líu lo trên cành, ong bướm bay lượn bên những cánh hoa hút mật. Dưới gốc cây, các bạn học sinh đang vui đùa, có nhóm chơi nhảy dây, đá cầu, có nhóm đang trò chuyện vui vẻ.
Em thích cây phượng này lắm và xem nó như một người bạn thân vì cây tỏa bóng mát cho chúng em vui chơi thỏa thích. Em cùng các bạn trong lớp không cho ai hái lá, chặt cành, thỉnh thoảng em còn nhặt lá vàng và mong sao cây phượng luôn trổ nhiều hoa lá đẹp.